Ngành GD&ĐT: 25 năm xây dựng và phát triển

 

Nguyễn Bá Ninh

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

 

Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên quán triệt và xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, là năm thứ 3 thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và các quyết sách mới của Nhà nước.Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Thuận tiếp tục phấn đấu, vượt qua thử thách, gặt hái được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Các cuộc vận động, phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả rõ rệt, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần giáo dục đạo đức nhân cách và truyền đạt tri thức cho học sinh, sinh viên nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Học sinh dự thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Nhìn lại từ năm 1992 tái lập tỉnh, kinh tế còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 55 cơ sở giáo dục Mầm non (MN), 106 trường Tiểu học (TH), 18 trường THCS và 5 trường THPT, không có trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, trung tâm KTTH-HN và cơ sở GDTX. Nhiều lớp học tranh, tre, nứa, lá, phải học nhờ, học tạm, học ca 3, nhiều xã chưa có trường MN, TH. Đội ngũ giáo viên còn thiếu, phải dạy kiêm môn, trái với môn được đào tạo, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo còn thấp, tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học chiếm tỷ lệ cao, huy động học sinh ra lớp thấp.


Tiến sĩ Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị liên kết bồi dưỡng học sinh giỏi với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên

Qua 25 năm, ngành GD&ĐT được sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân luôn quan tâm, chăm lo sự nghiệp GD&ĐT, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt- Học tốt”, hằng năm đạt được nhiều thành tích vượt trội so với năm trước. Mạng lưới, quy mô trường lớp học ngày càng mở rộng, phủ kín từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đặc biệt xây dựng mới trường THPT chuyên, 5 trường phổ thông dân tộc nội trú và 11 trường phổ thông dân tộc bán trú. Năm 2016, toàn tỉnh có 339 cơ sở giáo dục, gồm: 90 cơ sở giáo dục MN, 153 trường TH, 64 trường THCS, 19 trường THPT, 3 trung tâm GDNN-GDTX, 1 trung tâm KTTH-HN, 1 Trung tâm GDTX tỉnh, 1 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Khối giáo dục Đại học có phân hiệu Đại học Nông lâm, Viện Đào tạo và Khoa học Ứng dụng miền Trung-Đại học Thủy lợi, Trường CĐSP, Khối giáo dục nghề nghiệp có Cao đẳng Nghề, Trung tâm Dạy nghề Tấn Tài, Trung cấp Việt Thuận, Trung cấp Y tế.

So với năm 1992, phòng học được đầu tư sửa chữa xây dựng mới là 3.781 tăng 2.068 phòng; có 132.363 học sinh, tăng 47.900 em; huy động học sinh đúng độ tuổi đến lớp học ở cấp TH đạt 99,5%, tăng 20,7%, cấp THCS đạt 87,1%, tăng 25%, cấp THPT đạt 75,8%, tăng 33,5%. Đội ngũ giáo viên hiện có 7.576 người, tăng 4.235 người; trong đó từ đạt chuẩn trở lên ở cấp MN là 92,6%, tăng 47,4%; cấp TH là 99,5%, tăng 11,9%; THCS là 99,8%, tăng 11,6%; THPT là 100%, tăng 10,7%.

Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, lên lớp, học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia đều tăng. Năm học 2015-2016 (so với cùng kỳ), học lực từ trung bình trở lên đạt 90,1%, tăng 1,02%; hạnh kiểm đạt 99,6%, tăng 1,3%. Chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, tỷ lệ học sinh bỏ học có 1,33%, giảm 0,13%, tốt nghiệp hệ THPT đạt 91,94%, tăng 7,5%; hệ GDTX THPT đạt 81,53%, tăng 22,8%. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng bình quân đạt trên 22%, đối với năm 2016 đạt 24,3%, tăng 13,7% so với năm 1992. Riêng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thi tuyển vào đại học, cao đẳng hằng năm luôn xếp hạng từ 50-73 trong tốp 200 trường THPT có tổng điểm đại học bình quân cao nhất cả nước.

 

Giờ học môn Tin học tại Trường THPT Trường Chinh

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp TH đạt 58,03%, tăng 2,23%, vượt 3,03% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Công tác đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đến nay có 59 cơ sở giáo dục được công nhận đạt cấp độ I và có 82/236 trường phổ thông công nhận chuẩn quốc gia đạt 34,7%, vượt 0,7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. 100% xã, phường giữ vững được chuẩn về XMC-PCGD TH và phổ cập giáo dục THCS; 63/65 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi, được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn vào năm 2013; 100% xã, phường được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng. Đây là những con số minh chứng, khẳng định chất lượng giáo dục của tỉnh nhà đang tiến triển tốt đẹp, đặc biệt trong năm 2016, ngành GD&ĐT triển khai thực hiện Kế hoạch hành động đột phá số 492 của UBND tỉnh, đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

 

Kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề miễn phí cho học viên tại Trung tâm GDTX tỉnh

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, toàn ngành GD&ĐT xác định sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau cho năm học 2016-2017 và các năm tiếp theo như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 492 của UBND tỉnh về đổi mới công tác quản lý GD&ĐT tạo sự đột phá về phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

Hai là, xây dựng lộ trình và nhu cầu cơ sở vật chất để thực hiện sắp xếp mạng lưới, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh;

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;

Bốn là, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông;

Năm là, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý;

Bảy là, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Với những thành tựu trân trọng, đáng tự hào và hạn chế nhất định của ngành GD&ĐT, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016-2017, trong đó tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhằm tạo chuyển biến nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân tỉnh nhà.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 1492
  • Trong tuần: 16822
  • Tất cả: 7360871