Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 139
  • Trong tuần: 6686
  • Tất cả: 1869016
Bốn bước quan trọng để chọn đúng ngành-đúng trường
Quan điểm “vào được đại học là ra được” đã không còn tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt khi các trường đại học ngày càng siết chặt chuẩn đầu ra nhằm đảm bảo chất lượng.Thực tế, hàng năm các trường đại học buộc phải đuổi học hàng ngàn sinh viên vì không đáp ứng được yêu cầu học tập.

Được tư vấn đúng cách, chọn lựa đúng ngành nghề, trường để theo học sẽ mang lại đam mê học tập cho sinh viên
Được tư vấn đúng cách, chọn lựa đúng ngành nghề, trường để theo học sẽ mang lại đam mê học tập cho sinh viên

Quan điểm “vào được đại học là ra được” đã không còn tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt khi các trường đại học ngày càng siết chặt chuẩn đầu ra nhằm đảm bảo chất lượng.Thực tế, hàng năm các trường đại học buộc phải đuổi học hàng ngàn sinh viên vì không đáp ứng được yêu cầu học tập.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông(Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) cái chính vẫn là các bạn học sinh chọn ngành, chọn trường chưa phù hợp với bản thân.Chính điều đó đã khiến cho các em sinh viên càng ngày càng mất động lực phấn đấu để học tập tốt.

Thống kê từ các trường và từ Bộ LĐTB&XH mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp và thất nghiệp mà nguyên nhân cũng do chọn ngành nghề không phù hợp với đam mê và khả năng của mình.

Vì lẽ đó, sau khi “bơi” để ra tốt nghiệp ra trường các bạn bị thiếu đi những kỹ năng, những đam mê dấn thân cho nghề nghiệp mình đã chọn để học.

Từ thực tế đầy bất cập hiện nay, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng việc tìm hiểu kỹ càng để chọn ngành – nghề, chọn trường là cực kỳ quan trọng đối với các em học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa vào đời.

Sự lựa chọn thông minh này không chỉ giảm thiểu nguy cơ việc học dang dở, thiếu và yếu kỹ năng sau khi ra trường, mà còn gián tiếp giảm thiểu tỉ lệ cử nhân thất nghiệp.

Do đó, để chọn được cho mình một ngành, nghề phù hợp với bản thân Thạc sĩ Phạm Thái Sơn lưu ý các em học sinh 4 bước quan trọng sau.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn

Bước 1: Xác định rõ đam mê và khả năng của mình

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng; trước hết các em học sinh cần xác định đam mê của mình là gì để mình có thể dấn thân trong quãng thời gian tiếp đến của cuộc đời mình.

Tuy nhiên đa phần các em học sinh hay bị nhầm lẫn giữa đam mê với sở thích nhất thời, đam mê là một trong những sở thích tồn tại lâu nhất trong số những sở thích của bản thân.

Vậy làm cách nào để xác định được đam mê và sở thích của mình một cách đơn giản nhất? Đầu tiên các em hãy ghi lại tất cả những gì bản thân mình thích như: Em thích học những môn học nào? Cho em làm một việc tùy thích, việc đầu tiên em nghĩ đến là làm gì? Vì sao nó thu hút em? Em hãy liệt kê ra những hoạt động khiến mình cảm thấy thích thú trong năm vừa rồi? 

Tiếp đến hãy để một thời gian rồi xem lại tất cả những gì các em đã ghi ra và nếu những điều các em ghi ra thực sự vẫn làm cho em vẫn còn nguyên vẹn cảm giác thích thú và mong muốn thực hiện nó thì đó là đam mê của mình.

"Thời gian cũng như tác động bên ngoài có thể khiến sở thích của bạn thay đổi nhưng nếu một sở thích mà qua thời gian dài bạn vẫn quyết tâm theo đuổi thì đó chính là đam mê. Cuối cùng hãy xét lại xem các em có luôn không ngừng tìm hiểu và học hỏi về những lĩnh vực, những vấn đề mà các em đã ghi ra.

Các em cảm thấy nó có sức hút với bản thân và không bao giờ làm mình thấy nhàm chán khi tìm hiểu về nó thì xin chúc mừng, bạn đã xác định được đam mê của mình rồi đấy"-Thạc sĩ Sơn nhấn mạnh. 

Tuy vậy, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn đam mê không là chưa đủ, các em cần rõ về khả năng của bản thân (Ví dụ: Các em có đam mê âm nhạc nhưng không có khả năng hát thì không thể làm ca sĩ được).

Các em hãy lập một danh sách những ưu thế nổi trội của bản thân mình ví dụ như: Em học khá những môn học nào? Em có khả năng làm gì nổi trội mà em cảm thấy hoặc người khác đánh giá? Em có thường hay thể hiện những gì mà mình cảm thấy mình nổi trội?,…

Chính khoảng giao của đam mê và khả năng sẽ cho các em cái nhìn đầu tiên về ngành nghề mà các em nên lựa chọn, tuy nhiên để chọn được ngành, nghề phù hợp các em cần sang các bước tiếp theo. 

Bước 2: Tìm hiểu kỹ các xu hướng ngành nghề, nhu cầu nhân lực trong tương lai

Theo Thạc sĩ Sơn, nhu cầu về nhân lực cũng như xu hướng ngành nghề thay đổi rất nhiều qua hàng năm và đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay thì tốc độ sinh ra và mất đi của các ngành nghề còn ghê gớm hơn nữa.

Vì vậy, các em nhất thiết phải tìm hiểu kỹ về nhu cầu nhân lực, xu thế ngành nghề trong tương lai qua các thông tin về dự báo nguồn nhân lực, thông tin về mức lương, nhu cầu tuyển dụng hàng năm và dự  báo trong tương lai từ các chuyên gia, từ các website dự báo nhân lực, từ các website tuyển dụng hàng đầu để có định hướng chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội trong tương lai.

Ngoài việc tìm hiểu xu hướng nhân lực, ngành nghề trong tương lai các em cũng cần tìm hiểu ngành nghề đó phát triển như thế nào? Yêu cầu người lao động có trình độ ra sao? Yêu cầu kiến thức, kỹ năng và khả năng gì?

Đam mê kết hợp với khả năng, năng lực bản thân và xu thế ngành nghề là ba yếu tố giúp bạn chọn được ngành phù hợp.Vậy làm sao chọn trường để có chỗ học cái mà mình chọn? 

Chọn đúng ngành nghề sẽ giúp sinh viên dễ dàng kiếm được việc làm

Bước 3: Lập danh sách các trường phù hợp với năng lực học tập và ý thích của mình.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nhìn nhận, với các các xét tuyển, thi tuyển  hiện nay của các trường đại học thì các em học sinh cần học tập thật tốt từ ngay khi bước chân vào bậc THPT chứ không phải để đến nước đến chân mới nhảy vì việc xét năng lực học tập qua quá trình học THPT được các trường khá quan tâm.

Để tránh tình trạng “trượt oan” vì không đánh giá đúng năng lực học tập của mình có phù hợp với trường mình chọn hay không Thạc sĩ Phạm Thái Sơn khuyên các em cần làm các bước sau:

Trước hết liệt kê các trường có đào tạo ngành nghề mà các em đã chọn lựa. Ghi rõ ra giấy các thông tin về cách xét tuyển, thi tuyển và điểm trúng tuyển (theo tổ hợp môn mà ngành – trường đó yêu cầu) của khoảng ba năm gần nhất.  Kiểm tra xem điểm của mình (điểm học bạ quá trình hoặc điểm thi thử các bài thi theo yêu cầu xét tuyển của ngành – trường đó) có nằm trong khoảng dao động gần với điểm thống kê hay không.  

" Quá trình thống kê này sẽ giúp các bạn lọc ra được các ngành - trường phù hợp với khả năng đỗ của mình là cao hơn. Môi trường học tập, sinh hoạt và cơ hội học tập lên cao cũng là điều đáng lưu ý khi chọn trường.

Vì vậy, các em hãy xem thông tin hoạt động của các trường mà các em thấy phù hợp với năng lực học tập của mình trên website, các diễn đàn của sinh viên, facebook, tham dự các ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, tham vấn từ các anh chị đang là sinh viên hoặc cựu sinh viên, … và ghi tất cả vào bảng thống kê đã làm phía trên"-Thạc sĩ Sơn lưu ý

Bước 4: Nguồn lực gia đình là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn trường của các em

Nguồn lực và nhất là nguồn lực tài chính của gia đình là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc các em chọn trường, các em có thể không kham nổi chi phí để học tập nếu chọn phải trường có học phí cao hơn khả năng đáp ứng của gia đình và bản thân.

Chính vì vậy, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng các em học sinh cần thông minh hơn khi chọn trường bằng cách căn cứ vào bảng thống kê ngành – trường đã làm ở Bước 3.

Các em cần ghi rõ thêm thông tin địa điểm của trường ở đâu? Học phí và các khoản phí thực hành, thực tập là bao nhiêu? Chi phí ở, ăn, sinh hoạt cá nhân ở khu vực đó như thế nào? Chính sách hỗ trợ của trường ra sao? Cơ hội tìm kiếm việc làm thêm khi đi học có hay không? ….

"Tất cả các điều trên các em có thể tìm trên internet (có thể search trên google, tham gia diễn đàn sinh viên, các group facebook của trường, xem trên các fanpage, …), tham gia các ngày hội tuyển sinh – hướng nghiệp, hoặc gọi điện thoại hỏi trực tiếp tại trường.

Hãy trình bản thống kê với đầy đủ thông tin về ngành nghề, trường, điểm trúng tuyển, chi phí, …mà bạn đã làm cho quý phụ huynh đáng trân trọng của chúng ta để vận động nguồn đầu tư của họ"- Thạc sĩ Sơn lưu ý. 

Theo Anh Tú-Th.s Phạm Thái Sơn
Báo Giáo dục & Thời đại